Thủ tục xin giấy phép xuất khẩu lao động theo nghị định 38/2020/NĐ-CP
- 18/07/2024
- Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
- 0 Nhận xét
Xuất khẩu lao động là một trong những hoạt động kinh tế được Nhà nước quan tâm và chú trọng trong việc xây dựng chủ trương, chính sách bởi lẽ xuất phát từ những đặc thù và tính chất nhạy cảm của “hoạt động xuất khẩu con người”. Đi xuất khẩu lao động là một trong những phương thức “đổi đời” của nhiều người lao động hiện nay. Do nhu cầu ngày càng lớn của lao động Việt Nam hiện nay mà rất nhiều doanh nghiệp muốn gia nhập trong lĩnh vực đưa lao động đi xuất khẩu. Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bước đầu khi gia nhập lĩnh vực này, Luật Thành Đô xin gửi tới Quý doanh nghiệp và bạn đọc bài viết Thủ tục xin giấy phép xuất khẩu lao động mới nhất.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
1. Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH 11;
2. Luật Doanh nghiệp 2014;
3. Nghị định 38/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
4. Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ lao động, thương binh và xã hội ban hành
5. Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội-Bộ Tài chính ban hành
6. Thông tư 18/2018/TT-BLĐTBXH sửa đổi thông tư liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
7. Quyết định 18/2007/QĐ-BLĐTBXH về Chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành.
8. Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
II. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
2.1. Điều kiện về vốn
Để hoạt động xuất khẩu lao động doanh phải đảm bảo điều kiện về vốn pháp định không thấp hơn 5.000.000.000 đồng (năm tỷ Việt Nam đồng). Việc chứng minh vốn thông qua các văn bản, giấy tờ được nêu rõ tại mục 3 phần III dưới đây.
2.2. Về ký quỹ
Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 1.000.000.000 đồng (một tỷ Việt Nam đồng) tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam. Tiền ký được ngân hàng phong tỏa trong suốt quá trình hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp và việc sử dụng tiền ký quỹ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
2.3. Về lãnh đạo hoạt động xuất khẩu lao động
Người lãnh đạo hoạt động xuất khẩu lao động phải đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
(1) Là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
(2) Phải có trình độ từ đại học trở lên.
(3) Phải có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;
(4) Phải không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc.
2.4. Về nhân sự bộ máy
Nhân viên nghiệp vụ của bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động xuất khẩu lao động phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Phải ký hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn với doanh nghiệp;
(2) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc;
(3) Trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên;
(4) Nhân viên nghiệp vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài và bồi dưỡng kiến thức cần thiết phải tốt nghiệp một trong các chuyên ngành luật, kinh tế/quản trị kinh doanh, ngoại ngữ và có ít nhất 01 năm làm việc trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
2.5. Về đề án hoạt động
Đề án hoạt động xuất khẩu lao động phải có 5 phần chính như sau:
Phần 1. Thông tin cơ bản về doanh nghiệp:
Tên công ty viết bằng tiếng Việt; loại hình doanh nghiệp; ngành nghề kinh doanh; cơ cấu, tổ chức hiện tại của doanh nghiệp; số lượng lao động doanh nghiệp đang sử dụng; hình thức và thời hạn hợp đồng lao động ký với người lao động.
Phần 2. Dự kiến thị trường đưa người lao động đến làm việc ở nước ngoài
Khả năng mở và khai thác thị trường lao động ngoài nước; dự kiến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo số lượng, ngành nghề và thị trường trong thời gian 03 năm kể từ khi được cấp giấy phép.
Phần 3. Phương án tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Phần 3.1. Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài: bộ phận quản lý đào tạo và bộ phận quản lý học viên; chức năng, nhiệm vụ từng bộ phận;
Phần 3.2. Các phòng nghiệp vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chức năng nhiệm vụ từng phòng; số lượng nhân viên nghiệp vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc, nhiệm vụ được giao của từng nhân viên nghiệp vụ.
Phần 4. Phương án thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Phần 4.1. Tuyển chọn lao động;
Phần 4.2. Dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
Phần 4.3. Quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Phần 4.4. Thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Phần 5. Phương án tài chính thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Phần 5.1. .Dự kiến cụ thể chi phí của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài đối với từng thị trường, tổng chi phí người lao động phải nộp khi xuất cảnh;
Phần 5.2. Lương cơ bản và thu nhập dự kiến của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài;
Phần 5.3. Dự kiến doanh thu, chi phí và ngh a vụ tài chính của doanh nghiệp đối với Nhà nước trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 03 năm kể từ khi được cấp giấy phép;
Phần 5.4. Phương án hỗ trợ, giải quyết chi phí khi người lao động gặp rủi ro.
2.6. Về cơ sở vật chất
Ngoài cơ sở vật chất để đảm bảo cho nhân viên bộ máy hoạt động xuất khẩu lao động thì doanh nghiệp phải có cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động. Cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định.
(2) Có đủ phòng học và phòng ở cho 100 lao động tại một thời điểm;
(3) Diện tích phòng học trung bình 1,4 m2/học viên và phòng ở trung bình 3,5 m2/học viên.
(4) Có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú: bàn ghế, bảng, giường, chăn, màn, khu nhà tắm, vệ sinh……
III. THÀNH PHẦN HỒ SƠ XIN GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG THEO NGHỊ ĐỊNH 38/2020/NĐ-CP
(1) Văn bản đề nghị cấp phép của doanh nghiệp. Theo Mẫu 03 Phụ lục II Nghị định 38/2020/NĐ-CP.
(2) 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất.
(3) Các giấy tờ chứng minh điều kiện về vốn.
* Đối với doanh nghiệp thành lập từ 01 năm trở lên: cung cấp Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm trước liền kề và từ đầu năm đến cuối quý trước thời điểm đề nghị cấp giấy phép.
* Đối với doanh nghiệp thành lập dưới 01 năm: cung cấp giấy tờ chứng minh vốn theo một trong hai phương thức sau:
- Phương thức 1: Báo cáo nguồn vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán ban hành trước thời điểm nộp hồ sơ không quá 01 tháng Hoặc
- Phương thức 2: cung cấp Hồ sơ góp vốn thành lập doanh nghiệp bao gồm:
+ Bản sao các giấy tờ sau: Biên bản góp vốn, sổ đăng ký cổ đông/thành viên, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần/Giấy chứng nhận phần vốn góp (đối cới công ty cổ phần/Công ty TNHH 2 thành viên trở lên). Quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức; Biên bản góp vốn của thành viên hợp danh và thành viên góp vốn đối với công ty hợp danh;
+ Giấy nộp tiền góp vồn vào tài khoản của công ty mở tại ngân hàng thương mại; séc hoặc ủy nhiệm chi - chuyển tiền hoặc các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành để góp vốn.
+ Xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam về số dư tài khoản tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
(4) 01 bản chính Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ.
(5) Giấy xác nhận số dư tài khoản thanh toán của công ty.
(6) 01 bản chính Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
(7) 01 bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.
(8) Các giấy tờ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động và nhân viên nghiệp vụ.
* Hồ sơ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động:
- 01 bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
- 01 bản chính Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật.
- Tài liệu chứng minh tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
- 01 bản sao Hợp đồng lao động (nếu có).
* Hồ sơ chứng minh điều kiện của nhân viên nghiệp vụ gồm các giấy tờ sau:
- 01 bản sao bằng cấp chuyên môn (từ cao đẳng trở lên có yêu cầu về chuyên ngành).
- 01 bản chính Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật.
- 01 bản sao Hợp đồng lao động (nếu có).
- 01 bản sao tài liệu thể hiện ít nhất 1 năm kinh nghiệm làm việc trước đây trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm).
(9) 01 bản sao Điều lệ Công ty.
IV. QUY TRÌNH THỰC HIỆN THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Luật Thành Đô trân trọng gửi Quý khách hàng hướng dẫn chi tiết về quy trình thực hiện thủ tục để xin cấp phép Giấy phép xuất khẩu lao động dựa trên kinh nghiệm thực tế như sau:
Bước 1: Thành lập doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh “Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”, có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên.
Bước 2: Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thông báo mẫu con dấu, mở tài khoản ngân hàng, thông báo số tài khoản ngân hàng với Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính;
Bước 3: Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 1 tỷ đồng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bước 4: Doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các tài liệu được liệt kê tại Mục III. Lưu ý đối với các tài liệu có mẫu sẵn thì phải thực hiện theo đúng mẫu.
Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép, Doanh nghiệp lưu ý khi xin xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng gần sát với ngày nộp hồ sơ.
Bước 5: Doanh nghiệp sắp xếp tài liệu theo thứ tự, có bìa và đóng toàn bộ tài liệu thành 01 quyển hồ sơ.
Bước 6: Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ tại Cục quản lý lao động ngoài nước – Số 41B Lý Thái Tổ, Phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
Bước 7: Sau khi đã nhận hồ sơ, phòng chuyên môn tiến hành kiểm tra tính hợp pháp và các điều kiện của doanh nghiệp trong hồ sơ xin cấp phép. Trường hợp đã đáp ứng theo quy định, Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ cử đoàn cán bộ xuống doanh nghiệp để xác minh các điều kiện thực tế.
Bước 8: Sau khi thẩm định xong, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo và xin chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ lấy ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
Bước 9: Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho doanh nghiệp;
Bước 10: Doanh nghiệp nhận Giấy phép và nộp lệ phí cấp giấy phép theo quy định;
Lưu ý: Trường hợp không cấp phép, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản trả lời về lý do không cấp phép cho doanh nghiệp;
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến yêu cầu của Quý khách. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc.
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |
Bình luận