Tổng hợp điểm mới của dự thảo luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Những quy định trong Dự thảo sửa đổi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Sau đây gọi tắt là “Dự thảo Luật”) thể hiện sự thay đổi khá nhiều so với Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 (Sau đây gọi tắt là “Luật hiện hành”). Những nội dung thay đổi thể hiện ở nhiều khía cạnh từ vấn đề điều kiện cấp phép, Các thủ tục chuẩn bị nguồn và đăng ký hợp đồng cung ứng; Vấn đề chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài;…. Do đó, trong phạm vi bài viết này, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới Quý khách hàng nội dung tổng hợp điểm mới của dự thảo luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo tinh thần của Dự thảo Luật sửa đổi lần này tập trung vào việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời tạo cơ chế phát triển bền vững cho các doanh nghiệp dịch vụ bởi vai trò to lớn của họ trong việc cải thiện đời sống cho lao động cũng như góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.

Nội dung Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) mà Chính phủ đã trình Quốc hội tập trung vào 6 nhóm chính sách bao gồm gồm:

(1) Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài;

(2) Nhóm nội dung về minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

(3) Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài;

(4) Nhóm nội dung về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

(5) Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước;

(6) Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sau đây, Luật Thành Đô sẽ phân tích và làm rõ một số điểm mới cơ bản trong các nhóm nội dung chính.

Về Nhóm 1:

Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài trong Dự thảo Luật đã bổ sung Đơn vị sự nghiệp được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 43 Dự thảo Luật); Bổ sung khai báo thông tin trực tuyến thông tin của người lao động giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh (Điều 55 Dự thảo Luật) vào quy định về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

Về Nhóm 2:

Dự thảo Luật đã siết chặt và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động đối với các doanh nghiệp; điều đó được thể hiện qua các quy định về chứng minh vốn; ký quỹ; tiêu chuẩn với người đại diện theo pháp luật (lãnh đạo hoạt động xuất khẩu lao động)….

Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung quy định về thời hạn giấy phép là 05 năm (Điều 11) và vấn đề gia hạn giấy phép, theo đó doanh nghiệp dịch vụ được gia hạn giấy phép nếu đáp ứng các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Điều 13); bổ sung quy định về điều chỉnh thông tin trên Giấy phép khi thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 14).

Như vậy, có thể nói nhóm chính sách thay đổi thứ 2 được các doanh nghiệp dịch vụ quan tâm bởi lẽ có thể nói vấn đề về thời hạn giấy phép và gia hạn giấy phép là sự thay đổi toàn diện so với pháp luật hiện hành không quy định về thời hạn giấy phép xuất khẩu lao động – nghĩa là hiệu lực vô thời gian cho đến khi chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi do vi phạm.

Về Nhóm 3:

Dự thảo Luật đã có những quy định rõ ràng và chi tiết hơn về vấn đề tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, bổ sung các chính sách của Nhà nước như: chính sách hỗ trợ đối với người lao động là đối tượng chính sách xã hội để học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở những nước phát triển.

Ngoài ra, về vấn đề “Chuẩn bị nguồn lao động” được đặt ra trước khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động nhằm đảm bảo hoạt động sơ tuyển và bổ túc nghề, ngoại ngữ cho người lao động sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của bên tiếp nhận lao động nước ngoài.

Về Nhóm 4:

Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định liên quan đến tiền dịch vụ nhằm giảm thiếu tối đa chi phí đối với người lao động như: bãi bỏ quy định về việc người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ...

Về Nhóm 5:

Về Nhóm nội dung liên quan đến Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Dự thảo Luật đã quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, bổ sung quy định về các nội dung được chi từ Quỹ.

Về Nhóm 6:

Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về nghĩa vụ của người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về tại khoản 8 Điều 47: “phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày kể từ ngày về nước để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm”. Quy định này nhằm đảm bảo chính quyền địa phương có đầy đủ thông tin để quản lý cũng như có chính sách phù hợp để hỗ trợ lao động sau khi về nước.

Bài viết cùng chủ đề:

Thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu lao động

Điều kiện cấp giấy phép xuất khẩu lao động

Trên đây là toàn bộ nội dung tổng hợp điểm mới của dự thảo luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận