Thủ tục xin cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là giấy phép do Cục quản lý lao động ngoài nước cấp cho các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện và quy định của pháp luật về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (hoạt động xuất khẩu lao động).

Thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động là một trong các thủ tục hành chính rất khó và được đánh giá là vô cùng nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp khi trải qua rất nhiều lần thẩm định về hồ sơ cũng như về cơ sở vật chất, nhân sự, các điều kiện khác.

Luật Thành Đô xin tư vấn thủ tục xin cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định mới nhất hiện nay.

Thủ tục xin giấy phép xuất khẩu lao động

I. VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

- Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Nghị định số 144/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

- Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Thông tư số 17/2007/TT- BLĐTBXH-NHNNVN hướng dẫn việc ký quỹ tại ngân hàng thương mại;

- Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Quyết định số 18/2007/QĐ-BLĐTBXH quy định chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

- Quyết định số 19/2007/QĐ- BLĐTBXH quy định về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

- Các văn bản hướng dẫn có liên quan khác;

Quý khách hàng có thể tìm hiểu thêm Tổng hợp văn bản pháp luật quy định về hoạt động xuất khẩu lao động để xem toàn văn các văn bản hiện nay.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được quản lý vô cùng nghiêm ngặt bởi cơ quan nhà nước.

Trong quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 thì chính phủ Việt Nam là cơ quan quy định loại hình doanh nghiệp, đối tượng được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Căn cứ theo điều 2 nghị định 126/2007/NĐ-CP thì đối tượng được xem xét cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, có 100% vốn điều lệ là của các tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Quý khách hàng có thể tham khảo thêm bài viết mà Luật Thành Đô đã tư vấn cho các đối tác nước ngoài về việc có được thành lập công ty xuất khẩu lao động có vốn đầu tư nước ngoài hay không?

III. ĐIỀU KIỆN XIN CẤP GIẤY PHÉP ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Hiện nay, pháp luật về quản lý và cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định doanh nghiệp khi hoạt động dịch vụ này phải có vốn pháp định theo quy định của Chính phủ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao hiện nay là Cục quản lý lao động ngoài nước cấp giấy phép xuất khẩu lao động.

Trên thực tế, khi triển khai hỗ trợ và cung cấp dịch vụ xin cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các đơn vị khách hàng của Luật Thành Đô, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Luật Thành Đô sẽ nêu các điều kiện cơ bản khi xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động tại bài viết này.

Xem thêm: Các điều kiện khi xin cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

3.1. Điều kiện của doanh nghiệp xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động

- Doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Giấy phép) là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam;

- Doanh nghiệp đã đăng ký ngành nghề Cung ứng và quản lý nguồn lao động (mã ngành: 7830). Nếu doanh nghiệp đã thành lập nhưng chưa đăng ký ngành nghề này thì quý doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục Thay đổi đăng ký kinh doanh để bổ sung ngành nghề này trước khi thực hiện xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động;

- Doanh nghiệp được cấp Giấy phép phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

3.2. Điều kiện về vốn điều lệ và ký quỹ khi xin giấy phép xuất khẩu lao động

- Doanh nghiệp khi thực hiện xin cấp giấy phép phải đáp ứng vốn điều lệ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 5 tỷ đồng và phải trì vốn điều lệ này từ mức 5 tỷ đồng trở lên trong suốt quá trình hoạt động dịch vụ.

- Có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ là một tỷ đồng. Trường hợp tiền ký quỹ được sử dụng để giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, doanh nghiệp phải nộp bổ sung cho đủ mức tiền ký quỹ theo quy định.

Lưu ý:

- Doanh nghiệp ký quỹ tại Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

- Khi thực hiện ký quỹ ngân hàng, quý khách hàng cần lưu ý về hợp đồng ký quỹ đối với ngân hàng phải đáp ứng các quy định tại Thông tư số 17/2007/TT- BLĐTBXH-NHNNVN.

Trên thực tế có rất nhiều ngân hàng còn sử dụng các mẫu hợp đồng ký quỹ không đáp ứng quy định của hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài dẫn tới việc phải ký lại/bổ sung hợp đồng ký quỹ trong thời gian xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động, làm mất thời gian và chi phí để thực hiện ký lại hợp đồng này.

Quý khách có thể xem thêm về Thủ tục ký quỹ ngân hàng khi xin giấy phép xuất khẩu lao động để hiểu về việc đảm bảo thực hiện hoạt động xuất khẩu lao động cũng như các thủ tục liên quan tới hoạt động ký quỹ.

3.3. Điều kiện về đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Doanh nghiệp khi xin cấp giấy phép phải xây dựng một đề án hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoàn chỉnh có các tiêu chí theo quy định của pháp luật. Đây cũng chính là một trong những danh mục hồ sơ mà doanh nghiệp thường gặp khó khăn nhất bởi lẽ việc xây dựng đề án này mất rất nhiều thời gian cũng như cần có sự am hiểu về mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động xuất khẩu lao động. Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thể hiện năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đề án bao gồm những nội dung sau đây:

- Tên giao dịch, địa chỉ giao dịch, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, vốn và cơ cấu vốn, chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đại diện doanh nghiệp theo ủy quyền, vốn, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nếu là doanh nghiệp đang hoạt động).

- Phương án tổ chức bộ máy hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

- Dự kiến thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngành nghề đưa lao động đi, địa bàn tuyển chọn lao động.

- Phương án tuyển chọn người lao động, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài.

- Phương án tài chính để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

3.4. Điều kiện của bộ máy nhân sự chuyên trách hoạt động xuất khẩu lao động

Doanh nghiệp khi xin giấy phép xuất khẩu lao động cần phải đáp ứng điều kiện là có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Bộ máy chuyên trách bồi dưỡng kiến thức của doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải được tổ chức thành trường hoặc thành trung tâm đào tạo và phải có người có đầy đủ năng lực quản lý và đảm nhiệm điều hành trực tiếp bộ máy này. Thông thường một trung tâm đào tạo phải có tối thiểu 02 bộ phận là bộ phận đào tạo và bộ phận quản lý học viên;

Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

3.5. Người lãnh đạo điều hành hoạt động xuất khẩu lao động

Người lãnh đạo điều hành hoạt động xuất khẩu lao động là người chịu trách nhiệm chính trong toàn bộ hoạt động xuất khẩu lao động của công ty. Pháp luật hiện nay có những quy định về người lãnh đạo hoạt động này rất nghiêm ngặt. Thông thường, trên thực tế khi tư vấn cho các doanh nghiệp về người lãnh đạo của trung tâm, chúng tôi luôn tư vấn các doanh nghiệp về việc lựa chọn, bổ nhiệm những người ngoài đáp ứng điều kiện về mặt pháp luật còn là những tư cách, phẩm chất đạo đức cũng như những kỹ năng để có thể quản lý điều hành toàn bộ hoạt động xuất khẩu lao động của công ty;

Người lãnh đạo điều hành hoạt động xuất khẩu lao động phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Có trình độ từ đại học trở lên;

+ Có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;

+ Có lý lịch rõ ràng, không có án tích, không bị cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý;

+ Không phải là người đang bị xử lý hình thức kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hoặc là người đã giữ vị trí lãnh đạo điều hành bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại những doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi giấy phép do vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Quý đơn vị có thể tham khảo bài viết Điều kiện để trở thành giám đốc trung tâm xuất khẩu lao động để nắm rõ hơn các quy định của pháp luật về Người lãnh đạo điều hành hoạt động xuất khẩu lao động;

IV. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Hồ sơ cấp Giấy phép xuất khẩu lao động được doanh nghiệp nộp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp theo mẫu;

(2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ tương đương;

(3) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về vốn điều lệ của doanh nghiệp theo quy định về vốn của doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động;

(4) Giấy xác nhận ký quỹ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp ký quỹ;

(5) Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

Đề án này phải thể hiện năng lực tài chính, cơ sở vật chất để hoạt động xuất khẩu lao động, đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đề án hoạt động xuất khẩu lao động bao gồm những nội dung sau đây:

- Tên và địa chỉ giao dịch, loại hình doanh nghiệp xin cấp phép, ngành nghề kinh doanh trong đó có đăng ký ngành nghề xuất khẩu lao động, vốn và cơ cấu vốn, chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đại diện doanh nghiệp theo ủy quyền, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

- Phương án tổ chức, hoạt động bộ máy hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

- Dự kiến thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đi, ngành nghề đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, địa bàn tuyển chọn lao động tại Việt Nam và lộ trình.

- Phương án tuyển chọn người lao động, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, phương án quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài.

- Phương án tài chính để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó phương án phải thể hiện được việc sử dụng nguồn tài chính của doanh nghiệp phân bổ vào hoạt động xuất khẩu lao động một cách chi tiết;

(6) Sơ yếu lý lịch của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài kèm theo giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định bao gồm bằng đại học trở lên, văn bản xác nhận kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;

(7) Phương án tổ chức đối với doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

(8) Danh sách trích ngang cán bộ chuyên trách trong bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm các nội dung: họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nhiệm vụ được giao.

Ngoài các giấy tờ trên, trong quá trình tư vấn xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động cho các doanh nghiệp, Luật Thành Đô nhận thấy quý khách hàng cũng cần chuẩn bị thêm các tài liệu sau phục vụ quá trình chứng minh và kiểm tra thực tế tại cơ sở hoạt động xuất khẩu lao động, bao gồm:

(9) Các tài liệu chứng minh cơ sở vật chất và quyền sử dụng/sở hữu hợp pháp trụ sở và các trung tâm để hoạt động xuất khẩu lao động;

(10) Các chứng từ chứng minh việc góp vốn, phần vốn góp trong công ty hiện nay;

(11) Danh sách thành viên/cổ đông của công ty hiện nay;

(12) Báo cáo tài chính của công ty có kiểm toán của đơn vị kiểm toán hợp pháp;

(13) Biên bản/Hợp đồng hợp tác với các đối tác nước ngoài;

Xem thêm: Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động

Liên hệ ngay hotline 0919 089 888 để được tư vấn chi tiết về

hoạt động xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động MIỄN PHÍ!

Thủ tục xin cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

V. CÔNG BỐ GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Sau khi được cấp giấy phép xuất khẩu lao động, quý doanh nghiệp cần lưu ý hoạt động công bố giấy phép trong thời hạn quy định tới cơ quan nhà nước cũng như báo chí theo quy định của pháp luật để đảm bảo điều kiện hoạt động.

Căn cứ theo quy định tại điều 13 Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 thì việc công bố giấy phép được tiến hành như sau:

- Doanh nghiệp phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao Giấy phép xuất khẩu lao động gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính của doanh nghiệp trong thời hạn mười ngày kể từ ngày được cấp hoặc đổi Giấy phép.

- Doanh nghiệp phải đăng nội dung Giấy phép xuất khẩu lao động trên một trong các tờ báo viết của trung ương hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp hoặc đổi Giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

VII. XỬ PHẠT VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

Xử phạt vi phạm về việc không công bố giấy phép xuất khẩu lao động

Đối với các doanh nghiệp sau khi nhận giấy phép xuất khẩu lao động mà không công bố thì sẽ bị xử phạt theo nghị định 95/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các doanh nghiệp không công bố Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp dịch vụ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Chính vì vậy, sau khi nhận giấy phép xuất khẩu lao động, quý khách hàng cần chú ý và công bố thông tin của giấy phép để đáp ứng điều kiện hoạt động.

Xử phạt vi phạm về hoạt động sử dụng giấy phép xuất khẩu lao động của doanh nghiệp khác

Hiện nay, các doanh nghiệp có hoạt động tương tự hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được cấp giấy phép hoặc chưa đủ điều kiện cấp giấy phép thường sử dụng giấy phép xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp đã được cấp phép theo hình thức mượn, thuê giấy phép xuất khẩu lao động. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trong và có khả năng gây ảnh hưởng tới rất nhiều công dân trong hoạt động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Căn cứ theo nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt doanh nghiệp mượn giấy phép xuất khẩu lao động, xử phạt doanh nghiệp cho thuê giấy phép xuất khẩu lao động thì doanh nghiệp sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp khác để tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bị phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;

Đối với doanh nghiệp đã được cấp giấy phép xuất khẩu lao động nhưng cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp mình để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì bị xử phạt bằng tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;

Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm, công ty xuất khẩu lao động còn bị xem xét đình chỉ hoạt động, tịch thu giấy phép xuất khẩu lao động cũng như xem xét đến nghĩa vụ dân sự, hình sự theo quy định của pháp luật.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận