Pháp luật về xuất khẩu lao động quy định ký quỹ là một trong những điều kiện bắt buộc, không chỉ đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước mà còn đối với cả người lao động được doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài. Theo điều 330 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Ký quỹ là việc một bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong toả tại một tổ chức tín dụng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ. Để giúp các Quý doanh nghiệp nắm rõ hơn các quy định của pháp luật về ký quỹ trong hoạt động xuất khẩu lao động, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới Quý doanh nghiệp bài viết “Những điều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cần biết về tiền ký quỹ” để các Quý doanh nghiệp có thể tham khảo.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
1. Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13;
2. Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11;
3. Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
4. Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2017 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
5. Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN quy định việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
6. Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH quy định mức trần tiền ký quỹ và thị trường mà doanh nghiệp dịch vụ được thoả thuận ký quỹ với người lao động.
II. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN KÝ QUỸ
- Doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng – giấy phép xuất khẩu lao động (gọi tắt là doanh nghiệp dịch vụ);
- Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp dịch vụ (gọi tắt là người lao động).
III. QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KÝ QUỸ CỦA DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ
1. Mức tiền ký quỹ
Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp dịch vụ sẽ phải thực hiện ký quỹ với mức một tỷ đồng.
2. Thủ tục ký quỹ
- Doanh nghiệp gửi Giấy đề nghị mở tài khoản tiền ký quỹ đến Ngân hàng Thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
- Ngân hàng và doanh nghiệp dịch vụ sẽ ký kết hợp đồng ký quỹ có các nội dung: tên, địa chỉ của doanh nghiệp và ngân hàng; số tiền ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ; mở và sử dụng tài khoản ký quỹ; rút tiền ký quỹ; hoàn trả tiền ký quỹ; trách nhiệm của các bên và các thoả thuận khác;
- Khi đã đóng đủ tiền ký quỹ, Ngân hàng sẽ gửi cho doanh nghiệp dịch vụ Giấy xác nhận ký quỹ để nộp cho Cục Quản lý lao động ngoài nước.
3. Sử dụng và quản lý tiền ký quỹ
Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có quyền sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4. Thủ tục tất toán tiền ký quỹ
- Các trường hợp được hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài khoản
+ Cục Quản lý lao động ngoài nước có văn bản trả lời doanh nghiệp không đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
+ Cục Quản lý lao động ngoài nước có văn bản trả lời doanh nghiệp không đủ điều kiện để được cấp đổi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và xác nhận doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người lao động theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đóng góp đầy đủ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;
+ Cục Quản lý lao động ngoài nước có văn bản xác nhận việc doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người lao động theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đóng góp đầy đủ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật.
- Thủ tục tất toán
+ Khi thuộc một trong các trường hợp trên, doanh nghiệp dịch vụ nộp văn bản trả lời hoặc văn bản xác nhận của Cục Quản lý lao động ngoài nước và các giấy tờ tài liệu có liên quan đến việc ký quỹ cho Ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ;
+ Sau khi nhận đủ hồ sơ, Ngân hàng sẽ hoàn trả tiền ký quỹ cho doanh nghiệp dịch vụ.
5. Chuyển giao nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ đối với tiền ký quỹ
Trong trường hợp bị phá sản, tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ phát sinh đối với người lao động đến thời điểm chuyển giao; nếu tiền ký quỹ còn thừa thì doanh nghiệp được sử dụng để thanh toán các khoản nợ khác theo quy định của pháp luật về phá sản.
IV. QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KÝ QUỸ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Các trường hợp áp dụng và mức tiền ký quỹ
Doanh nghiệp dịch vụ và người lao động được thỏa thuận về việc ký quỹ để bảo đảm việc thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với những thị trường lao động được thoả thuận về việc nộp tiền ký quỹ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp và người lao động cần lưu ý: Mức tiền ký quỹ mà hai bên thoả thuận phải nằm trong mức trần tiền ký quỹ quy định cho từng thị trường lao động theo Phụ lục số 01 Nghị định 21/2013/TT-BLĐTBXH.
2. Thu nộp tiền ký quỹ của người lao động
- Thời điểm thu: sau khi người lao động ký hợp đồng này với doanh nghiệp và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa
- Thời hạn ký quỹ: tương ứng với thời hạn hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký kết giữa doanh nghiệp và người lao động
- Hình thức thu nộp: Người lao động trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp dịch vụ nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tiền ký quỹ được doanh nghiệp mở tại ngân hàng. Trường hợp người lao động nộp tiền ký quỹ thông qua doanh nghiệp, doanh nghiệp phải cấp biên lai thu tiền cho người lao động và chậm nhất là 15 ngày kể từ khi nhận tiền ký quỹ của người lao động, doanh nghiệp phải nộp toàn bộ số thu tiền ký quỹ vào tài khoản mở tại ngân hàng.
3. Sử dụng và quản lý tiền ký quỹ của người lao động
Trường hợp người lao động vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp; khi sử dụng tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung, nếu còn thừa thì phải trả lại cho người lao động.
Doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm báo cáo định kỳ, đột xuất (khi có yêu cầu) về tình hình thực hiện, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 20 tháng 6 và 20 tháng 12 hàng năm.
4. Hoàn trả tiền ký quỹ của doanh nghiệp
- Các trường hợp người lao động được hoàn trả tiền ký quỹ:
(i) Doanh nghiệp và người lao động thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (người lao động hoàn thành hợp đồng hoặc về nước trước hạn);
(ii) Doanh nghiệp đơn phương thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi doanh nghiệp đã ba lần thông báo bằng thư bảo đảm trong thời hạn 180 ngày, kể từ ngày người lao động chấm dứt Hợp đồng lao động mà người lao động hoặc người dược uỷ quyền hợp pháp của người lao động không đến thanh lý Hợp đồng;
(iii) Doanh nghiệp không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi người lao động đã nộp tiền ký quỹ.
(iv) Doanh nghiệp bị giải thể hoặc bị phá sản;
(v) Người lao động không đi làm việc ở nước ngoài sau khi đã nộp tiền ký quỹ.
- Thủ tục hoàn trả tiền ký quỹ:
Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị hoàn tiền ký quỹ cho người lao động đến Ngân hàng mà doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ bao gồm:
+ Đối với trường hợp (i), (iii), (v): Giấy đề nghị rút tiền ký quỹ kèm theo Biên bản thanh lý hợp đồng trong đó ghi rõ số tiền ký quỹ hoàn trả cho người lao động. Trong trường hợp này doanh nghiệp có thể uỷ quyền cho người lao động trực tiếp rút tiền ký quỹ tại ngân hàng;
+ Đối với trường hợp (ii): Giấy đề nghị rút tiền ký quỹ kèm theo Giấy đề nghị của người lao động hoặc người được người lao động uỷ quyền về việc hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động;
+ Đối với trường hợp (iv): Giấy đề nghị rút tiền ký quỹ kèm theo Văn bản xác nhận của Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc doanh nghiệp bị giải thể hoặc bị phá sản để chuyển cho doanh nghiệp khác hoặc chuyển cho Cục Quản lý lao động ngoài nước giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
Trên đây là những tư vấn, phân tích của Luật Thành Đô về những vấn đề liên quan đến tiền ký quỹ đối với công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Hy vọng rằng với những kiến thức chúng tôi đã cung cấp ở trên sẽ giúp cho Quý khách hàng có được nền tảng cơ bản nhất để hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng quy định. Nếu Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này thì có thể liên hệ trực tiếp với Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp một cách chi tiết nhất.
Bình luận